5 bước triển khai hoạt động Digital Branding hiệu qủa

Hoạt động triển khai cho Digital Branding là một công việc phức tạp, đòi hỏi sự cống hiến và đầu tư cả tiền bạc và thời gian.

Các doanh nghiệp sẽ có rất nhiều vấn đề phải giải quyết kể từ khi bắt đầu cho đến khi nó được giới thiệu đến khách hàng. Tuy nhiên, chiến lược Digital Branding mang lại các lợi ích bền vững hơn nhiều so với các phương pháp marketing truyền thống. Hoạt động Digital Branding liên quan đến nhiều thứ hơn việc chỉ đơn giản đặt quảng cáo cho thương hiệu trên các phương tiện truyền thông xã hội.

Hãy cùng Sao Kim xem qua 5 bước triển khai hoạt động Digital Branding cơ bản để đạt được hiệu quả tốt nhất nhé.

Bước 1: Nghiên cứu thương hiệu

Chúng ta thường tập trung vào nghiên cứu thị trường để xác định nhu cầu của sản phẩm/ dịch vụ mà bỏ qua việc nghiên cứu về thương hiệu. Nghiên cứu thương hiệu giúp doanh nghiệp thấy rõ sự khác biệt của sản phẩm/ dịch vụ mình trong suy nghĩ của khách hàng. Nó trả lời cho câu hỏi tại sao khách hàng lại mua sản phẩm này, sử dụng dịch vụ này. Và tất nhiên, nghiên cứu thương hiệu cho chúng ta một mức giá chính xác và hợp lý cho những gì doanh nghiệp cung cấp.

Mục tiêu của nghiên cứu thương hiệu là xây dựng, duy trì và nâng tầm thương hiệu. Xây dựng thương hiệu không chỉ dừng lại ở việc hoàn thành các thủ tục pháp lý về đăng ký bảo hộ hay quan tâm đến các yếu tố cấu thành nên thương hiệu đó. Điều đó chưa đủ để biến thương hiệu thành các tài sản có giá trị cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp khai thác triệt để. Thương hiệu của bạn sẽ không thể trở nên mạnh mẽ, phát triển nếu bạn không có những chiến lược phù hợp để duy trì và truyền thông rộng rãi tới khách hàng trên thị trường.

Do đó, nghiên cứu thương hiệu cần có những chuyên gia trong lĩnh vực thực hiện bởi nó mang tính chất định tính hơn định lượng. Phương pháp thường được sử dụng khi nghiên cứu thương hiệu là các buổi phỏng vấn chuyên sâu với khách hàng tiềm năng ở thời điểm bạn thấy phù hợp.

Ở giai đoạn này, doanh nghiệp cần trả lời các câu hỏi sau:

  • Khách hàng của bạn là ai?
  • Nhu cầu chính xác của họ là gì?
  • Họ có mặt ở đâu?
  • Làm thế nào để họ tham gia mua hàng?
  • Chế độ mua hàng ưa thích của họ là gì?
  • Khi nào họ mua hàng?
  • Thói quen mua hàng của họ là gì?

Sau đó, doanh nghiệp mới bắt đầu dựa trên những thông tin thu thập được để phân tích hành trình mua hàng, dữ liệu từ khóa, xu hướng thị trường. thông tin đối thủ để tạo ra kế hoạch Digital Branding. Một kế hoạch Digital Branding hoàn chỉnh sẽ bao gồm đầy đủ chiến lược, mục tiêu thương hiệu và bản phác thảo nội dung tiến hành.

Bước 2: Xây dựng nền tảng thương hiệu – Brand Concept

Sau khi đã nghiên cứu và xác định được mục tiêu của thương hiệu, giờ là lúc doanh nghiệp xây dựng và phát triển chiến lược Digital Branding. Chúng ta bắt đầu phác thảo lộ trình của tất cả các nội dung và các yếu tố phải được phát triển theo các thị trường mục tiêu cụ thể. Ở bước này, doanh nghiệp sẽ xây dựng một chiến lược toàn diện và chi tiết để tạo nên nền tảng thương hiệu.

Nền tảng thương hiệu bao gồm những ý tưởng cốt lõi, tinh túy nhất được đặt ra cho thương hiệu. Nó là cơ sở để toàn bộ chiến lược marketing cho thương hiệu bám vào và đi theo. Tất cả những gì ngay lập tức xuất hiện trong đầu khách hàng khi nhớ về thương hiệu chính là nền tảng thương hiệu. Điều thực sự khiến thương hiệu khác biệt so với phần còn lại chính là nền tảng thương hiệu có được kết nối mạnh mẽ đến các khách hàng mục tiêu hay không?

Nền tảng thương hiệu thực sự nên chứa đựng tất cả câu chuyện, ý tưởng và mục tiêu của doanh nghiệp. Để xây dựng nền tảng thương hiệu phù hợp, các doanh nghiệp có thể cân nhắc thử nghiệm nó với một phân khúc khách hàng cụ thể. Sau đó dựa vào những phản hồi, đánh giá để sửa đổi nó thật chính xác. Khi doanh nghiệp có một nền tảng thương hiệu vững chắc, doanh nghiệp có thể sử dụng nó làm cơ sở để phát triển các bước khác để xây dựng thương hiệu trên các kênh khác nhau như website, quảng cáo,vv…

Bước 3: Thiết kế nhận diện số

Bước 3 là giai đoạn dành để thiết kế và sản xuất các nội dung phù hợp, thu hút khách hàng trên môi trường số. Digital Branding xây dựng thương hiệu số thông qua những nền tảng khác nhau như website, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử…. Digital Branding kết hợp giữa Digital Marketing và Branding trên Internet với mục tiêu phát triển một thương hiệu số.

Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu số  là thiết kế hình ảnh đại diện của doanh nghiệp và thương hiệu tới khách hàng trên nền tảng số. Với khách hàng, nét đặc trưng về logo hoặc slogan sẽ là những điều mà họ nhớ đến thương hiệu và khiến thương hiệu của bạn chiếm ưu thế hơn trong tâm trí của họ.

Ngoài ra, bộ nhận diện thương hiệu số tạo tâm lý tin tưởng, kích thích mong muốn sở hữu sản phẩm của khách hàng. Thông qua việc truyền tải thông điệp, giá trị sản phẩm về mặt cảm tính (tính chuyên nghiệp, sự khác biệt, đẳng cấp,..) và lý tính (mẫu mã đẹp, chất lượng tốt,.. ). Hơn nữa, khách hàng còn có thể tìm kiếm về sản phẩm ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào họ muốn. Thương hiệu cũng sẽ được khách hàng ghi nhớ kỹ bởi tần suất xuất hiện trên các điểm chạm thương hiệu với khách hàng.

Một bộ nhận diện thương hiệu số chất lượng sẽ là nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo về ý tưởng quảng cáo. Có giá trị đóng góp rất lớn trong việc phủ sóng hình ảnh thương hiệu rộng rãi hơn, thúc đẩy việc bán hàng, tạo ra giá trị thương hiệu, mang lại lợi nhuận cao cho doanh nghiệp.

Bước 4: Công bố thương hiệu

Công bố thương hiệu là giai đoạn một sản phẩm mới, một thương hiệu mới, một định vị mới lần đầu ra mắt, tiếp cận người dùng sau quá trình nghiên cứu, thử nghiệm.Ở giai đoạn này, doanh nghiệp sẽ chuẩn bị để chính thức giới thiệu thương hiệu đến khách hàng.

Việc ra mắt và kết nối với khách hàng tiềm năng đòi hỏi sự nhất quán và có chủ ý. Tất cả các nội dung hay lời kêu gọi hành động đều phải phù hợp và kích thích người mua nhanh chóng mua hàng. Để quá trình này vận hành được thuận lợi thì ở bước thứ hai doanh nghiệp phải đề ra một chiến lược thật chắc chắn.

Nhờ công nghệ số, khách hàng sẽ “biết được” có một sản phẩm mới ra mắt thông qua các quảng cáo trên TV, trên mạng XH nhiều hơn là được trưng bày đẹp mắt trên các quầy kệ ở cửa hàng, siêu thị.

Bước 5: Truyền thông và quảng bá thương hiệu

Truyền thông và quảng bá thương hiệu là cách giúp cho càng nhiều khách hàng biết đến sản phẩm càng tốt nhằm mục đích hướng tới sự công nhận của khách hàng với sản phẩm thương hiệu. Vì thế, truyền thông, quảng bá thương hiệu bao gồm tổ hợp những hoạt động để khách hàng có thể nhận diện thương hiệu được nhanh nhất. Thông qua các hoạt động ấy, doanh nghiệp sẽ gửi tới khách hàng những thông điệp sản phẩm, câu chuyện của doanh nghiệp và xây dựng niềm tin đối với khách hàng.

Mỗi doanh nghiệp tùy vào sản phẩm/dịch vụ của mình mà lựa chọn các kênh truyền thông khác nhau để tiếp cận khách hàng như:

  • Truyền hình/ radio
  • Internet
  • Ấn phẩm
  • Quảng cáo ngoài trời
  • Quan hệ cộng đồng
  • Mạng xã hội
  • Điểm bán hàng
  • Bao bì sản phẩm

Đặc biệt trên môi trường số, các kênh truyền thông thương hiệu phải giải quyết được 2 vấn đề quan trọng là ‘tập trung và nhất quán’. Tập trung là nhắm trúng đối tượng khách hàng hướng đến bằng cách đơn giản, súc tích. Nhất quán là tất cả các kênh truyền thông phải có sự đồng bộ về nội dung, thông điệp cũng như các yếu tố nhận diện trong thiết kế thương hiệu.

Truyền thông, quảng bá thương hiệu trên môi trường số có cơ hội thu hút số lượng lớn khách hàng biết được tới thương hiệu. Từ đó tạo hiệu ứng đám đông, tập trung dư luận, tác động tích cực tới đối tượng khách hàng từ đó khách hàng có cái nhìn nhất quán nhất về lợi ích của sản phẩm. Cách kết hợp các kênh truyền thông lại với nhau sẽ đem lại sức mạnh to lớn cho một thương hiệu.

Tạm kết

Digital Branding để có thể triển khai hiệu quả cần một chiến lược có sự đầu tư cả về thời gian, con người và vật chất. Tuy nhiên, đây lại là con đường buộc phải đi của doanh nghiệp trong thời đại số ngày nay. Nếu như doanh nghiệp bạn chưa bắt đầu từ đâu, hãy tham khảo 5 bước triển khai kết hoạch trên để có thể xác định rõ những mục tiêu cần làm để xây dựng thành công Digital Branding cho thương hiệu của mình.